Các đế chế ngôn từ - Ngôn ngữ đã hình thành ra sao trong quá khứ, ẩn sâu dưới bao lớp bụi của thời gian?

Các đế chế ngôn từ – Ngôn ngữ đã hình thành ra sao trong quá khứ, ẩn sâu dưới bao lớp bụi của thời gian?

Bất cứ ai từng đọc qua Cựu Ước đều khó lòng quên được câu chuyện Chúa đã làm phá sản toan tính xây tháp Babel cao tới tận trời cao của loài người bằng cách khiến con người không hiểu được tiếng nói của nhau. Ẩn đằng sau câu chuyện ấy là lời nhắc nhở về sức mạnh vô song của ngôn ngữ, thứ năng lực đã khiến loài người vượt trội so với các loài động vật khác bởi nó giúp chúng ta tích lũy được hiểu biết, tri thức từ thế hệ này qua thế hệ khác và giúp con người kết hợp thành tập thể ở mức độ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tiến hóa, hai yếu tố cốt tử tạo nên nền văn minh nhân loại như hiện tại.

Vậy ngôn ngữ đã hình thành ra sao trong quá khứ, ẩn sâu dưới bao lớp bụi của thời gian? Tất cả những gì còn lưu lại là các văn tự viết, một phần đã được giải nghĩa, một phần vẫn là câu đố thách thức hậu thế chưa biết đến bao giờ. Còn về ngôn ngữ nói, bởi đến tận thế kỷ 19 thiết bị ghi âm mới được phát minh ra, gần như tất cả những ngôn ngữ không có văn tự ghi chép lại đã mai một đi trong quá khứ đều không còn để lại dấu vết gì.

Lịch sử của phương tiện vô song đã tạo nên sức mạnh cho loài người đương nhiên cũng song hành với lịch sử của loài người, trong đó những dấu vết cổ xưa nhất còn lưu lại của ngôn ngữ cũng trùng khớp với những dấu vết cổ xưa nhất của xã hội văn minh nhờ sự xuất hiện của văn tự viết, một trong những yếu tố quan trọng nhất của văn minh nhân loại, đồng thời cũng là “di vật” có khả năng được bảo tồn lâu dài của ngôn ngữ nếu được thể hiện trên các vật liệu bền vững trước sự tàn phá của thời gian (như đá, đất nung).

Bắt đầu từ những manh mối xa xưa nhất về ngôn ngữ còn được lưu giữ lại ở các di chỉ khảo cổ và liên tục bám theo cuộc bể dâu của ngôn ngữ, khi các ngôn ngữ gặp gỡ, hòa lẫn vào nhau, thay thế lẫn nhau trong bước đường thăng trầm của các dân tộc cho tới tận thực tế tồn tại của các ngôn ngữ trong thế giới ngày nay, Nicholas Ostler đã cô đọng cả tiến trình phức tạp dài lâu này trong tác phẩm “Các đế chế ngôn từ: lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ” (Empires of the word: A language history of the world).

“Các đế chế ngôn từ: lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ” (Empires of the word: A language history of the world)
“Các đế chế ngôn từ: lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ” (Empires of the word: A language history of the world)

Ngôn ngữ học không phải là một lĩnh vực quá quen thuộc với đại chúng, bởi vậy Nicholas Ostler đã nhập môn ngắn gọn cho độc giả bằng lời mở đầu cùng phần mở đầu cung cấp cái nhìn chung nhất về sức mạnh cũng như sự đa dạng của ngôn ngữ.

Tiếp đến, tính tương tác, kế thừa và sự biến đổi, tiến hóa đào thải không ngừng của ngôn ngữ được tác giả nhắc đến trước tiên trong phần I “Bản chất của lịch sử ngôn ngữ”. Chính những đặc tính đó khi hội tụ lại một cách thích hợp ở một số ngôn ngữ vào một số thời kỳ lịch sử nhất định (như tiếng Hy Lạp ở vùng Địa Trung Hải cổ đại, tiếng Tây Ban Nha ở Nam Mỹ) đã làm những ngôn ngữ này trở nên phổ biến, được quốc tế hóa.

Phần chủ đạo của cuốn sách đồ sộ này là lịch sử lan tỏa ngôn ngữ trên địa cầu, trước tiên là ở đại lục Á – Âu và châu Phi chủ yếu theo các tuyến đường bộ trong phần II “Ngôn ngữ truyền bá qua đất liền”, sau đó là quá trình lan tỏa ngôn ngữ qua các biển và đại dương trong phần III “Ngôn ngữ truyền bá qua biển cả.”

Đọc qua hai phần chính này của cuốn sách, độc giả sẽ hiểu tại sao Nicholas Ostler đặt tên cho tác phẩm của mình là “Các đế chế ngôn từ”. Sự tương tác giữa con người với con người, dân tộc với dân tộc, quốc gia với quốc gia không tránh khỏi sử dụng ngôn ngữ làm một trong các phương tiện chủ đạo. Cùng với các cuộc di cư, giao thương, hành hương, chinh phục bằng bạo lực hay đức tin hoặc cả hai là những cuộc di chuyển, chinh phục của ngôn ngữ. Cũng giống như các đế chế về chính trị, các ngôn ngữ cũng áp đặt quyền lực của chúng lên các cộng đồng người sử dụng chúng, và trong một số trường hợp các ngôn ngữ đã tạo dựng được ảnh hưởng rộng lớn và lâu bền tới mức có gọi vùng ảnh hưởng mà chúng thống trị là các đế chế ngôn từ cũng không sai.

Trong phần II, Nicholas Ostler lần lượt giới thiệu tới độc giả lịch sử ngôn ngữ của những cái nôi văn minh nhân loại.

Trước tiên là vùng Lưỡng Hà, nơi những dấu vết văn minh cổ xưa nhất của nhân loại cũng như ngôn ngữ viết cổ xưa nhất còn được lưu giữ, ngôn ngữ Sumer, cùng các biến cố về ngôn ngữ liên tục diễn ra kế tiếp nhau cho tới khi toàn bộ khu vực này Hồi giáo hóa hoàn toàn (chương 3). Tiếp đến là câu chuyện về ngôn ngữ của hai nền văn minh cổ xưa bậc nhất khác: Ai Cập và Trung Hoa, những thăng trầm của hai ngôn ngữ này để rồi tới ngày nay kết thúc ở hai trạng thái đối lập nhau hoàn toàn: ngôn ngữ Ai Cập bản địa chỉ còn được lưu giữ lại le lói trong những nghi lễ tôn giáo của giáo hội Copt, trong khi ngôn ngữ Trung Hoa trở thành thứ ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới (chương 4).

Chương 5 và chương 6 dành cho lịch sử của hai ngôn ngữ liên quan tới tư tưởng, triết học, tôn giáo của hai nền văn minh ở hai đầu đại lục Á – Âu: tiếng Phạn và tiếng Hy Lạp. Trong khi tiếng Phạn là ngôn ngữ của các tư tưởng tôn giáo, triết học cổ xưa của tiểu lục địa Ấn Độ, thứ ngôn ngữ tinh hoa này cũng lan tỏa rộng rãi từ Ấn Độ ra các vùng khác của châu Á theo ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là Phật giáo, thì tiếng Hy Lạp lại đồng hành với nền văn minh Hy Lạp, ngọn nguồn của văn minh châu Âu hiện tại.

Chương 7 và chương 8 được tác giả ưu ái dành cho một bước chuyển đặc biệt trong lịch sử châu Âu. Đó là giai đoạn thời kỳ cổ đại kết thúc và châu Âu dần chuyển mình sang giai đoạn định hình nên các dân tộc, ngôn ngữ như chúng ta thấy ngày nay ở đây. Sự độc tôn của Roma suy sụp cũng đồng nghĩa với việc tiếng Latinh không còn giữ vai trò độc tôn trong đời sống chính trị, rồi sau đó là tôn giáo trong châu Âu Ki tô giáo hóa nữa. Theo bước chân của các chiến binh của thời kỳ loạn lạc đánh dấu bước chuyển từ thời Cổ đại sang thời Trung cổ ở châu Âu, các ngôn ngữ khác của các tộc người Celt, German và Slav nổi lên dành lấy chỗ đứng của chúng trên lãnh thổ châu Âu bên cạnh hậu duệ của những người Roma.

Phần III của cuốn sách là câu chuyện về sự vươn lên của một số ngôn ngữ kèm theo sự sống dậy mạnh mẽ của các quốc gia châu Âu trong kỷ nguyên khám phá và các cuộc chinh phục thực dân. Sự trỗi dậy của các quốc gia như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, v.v. đã dẫn tới ngôn ngữ của các quốc gia này ngày càng có địa vị, sức ảnh hưởng trong mọi mặt của xã hội, dẫn tới sự cáo chung thứ hai của tiếng Latinh như ngôn ngữ của học thuật, tôn giáo (chương 9) cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ của tiếng Tây Ban Nha nói riêng sau bước chân chinh phạt của các conquistador (chương 10) và các thứ tiếng châu Âu khác ở bên ngoài châu Âu do thành công của các cuộc chinh phục thuộc địa tương tự (chương 11). Đương nhiên, tiếng Anh, hưởng lợi ghê gớm từ sự thành công ấn tượng của Đế chế Anh, rồi từ vai trò của nước Mỹ trong vai trò siêu cường thế giới từ đầu thế kỷ XX, cũng được dành một phần xứng đáng để xem xét, bàn luận (chương 12).

Phần IV “Ngôn ngữ hôm nay và ngày mai” điểm lại các ngôn ngữ đang tồn tại trên thế giới ở thời điểm hiện tại, vị trí, tương quan về ảnh hưởng của chúng (chương 13) trước khi khép lại cuộc hành trình của lịch sử ngôn ngữ bằng một cái nhìn về viễn cảnh tương lai của một thế giới toàn cầu hóa, đầy cơ hội mở rộng ảnh hưởng với các ngôn ngữ đã dành được địa vị quốc tế, nhưng cũng đầy thách thức cho những thổ ngữ của các cộng đồng nhỏ để tiếp tục tồn tại, duy trì được bản sắc của mình (chương 14).

Tác giả: PGS TS Lê Đình Chi 

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top