vi-sao-nen-doc-kinh-thanh-cuu-uoc-nha-nghien-cuu-ha-vu-trong

VÌ SAO NÊN ĐỌC KINH THÁNH CỰU ƯỚC? – Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng –

“Không có cuốn sách nào ảnh hưởng đến tôn giáo và văn hoá của thế giới phương Tây cho bằng Kinh Thánh, mà bộ phận lớn nhất của nó là Cựu Ước (chiếm ít ra là 2/3) vốn được cả Do Thái giáo và Kitô giáo chia sẻ. Những thánh thư này ban đầu được viết bằng tiếng Hebrew trong khoảng thời gian từ 1200 đến 100 TCN, và đạt đến hình thức như hiện tại vào khoảng thế kỉ thứ 2 CN. Tuy Cựu Ước là một phần của lịch sử văn hoá và tôn giáo của vùng Cận Đông cổ đại, nhưng nó hiện xuất không như là bộ sách lịch sử và văn học của Israel cổ đại mà trở thành Kinh Thánh đầy thẩm quyền của Do Thái giáo lẫn Kitô giáo, từ đó đã ảnh hưởng sâu sắc và truyền cảm hứng cho vô số các tín đồ, nhà văn, các nghệ sĩ và nhạc sĩ trong thế giới phương Tây và xa hơn thế nữa.

Trong khi Kinh Thánh hay Tanakh của Do Thái giáo có 24 sách, thì Cựu Ước theo quy điển Thánh Kinh của các giáo hội Kitô giáo có sự chênh lệch về số lượng khi được mở rộng: Công giáo gồm 46 sách, Chính thống giáo phương Đông gồm 49 sách, Tin Lành gồm 39 sách, được chia thành Ngũ kinh (Torah), sách lịch sử, sách “khôn ngoan” và sách tiên tri. Bản thân Cựu Ước là một kết tập văn học, trong đó có thần thoại, chuyện kể lịch sử, tiên tri, tiểu thuyết, luật pháp, hướng dẫn nghi thức, ngạn ngữ, thi ca, thánh ca, vv… trong đó có vô số câu chuyện thú vị được cả trẻ em lẫn người ngoài đạo yêu thích, như Adam và Eva, con tàu Noah và đại hồng thủy, Moses và Mười điều răn, Biển Đỏ, Joseph và các anh trai, Jonah và cá voi, David và Goliath, Samson và Delilah… cùng rất nhiều nhân vật khác được khắc hoạ sống động. Chúng ta cũng được giới thiệu những khái niệm đã định hình sâu sắc niềm tin tôn giáo, giá trị xã hội và thể chế chính trị qua nhiều thế kỉ, những khái niệm như giao ước, những điều răn, dân tộc được chọn, Đất Hứa và những nhà cai trị được Thiên Chúa chọn. Những nhân vật và những khái niệm ấy đều xuất hiện trong bối cảnh tường thuật sâu rộng về hoạt động thiêng liêng trong suốt lịch sử, từ cuộc sáng tạo cho đến cuối thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên.

Cựu Ước quan trọng đối với người Kitô giáo vì nó đặt nền móng cho kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa trong lịch sử. Kinh Thánh không đầy đủ nếu thiếu Cựu Ước, vì cả hai đều tạo nên Lời Chúa. Tân Ước được đưa ra không phải để thay cho Cựu Ước mà để hoàn thành câu chuyện của nó (“Đừng nghĩ rằng ta đến để hủy bỏ Kinh Luật và Kinh Tiên Tri; Ta đến không phải để hủy bỏ mà để hoàn thành”- Matthêu, 5:17). Người Kitô giáo cho rằng Cựu Ước kể một câu chuyện, và câu chuyện này sẽ tiếp tục được hoàn tất trong Tân Ước.

Câu chuyện Cựu Ước kể về một thảm họa và một sứ mệnh cứu độ đã được hoạch định, Thiên đường đánh mất và Thiên đường tìm lại được. Cựu Ước kể về sự đánh mất bản tính ngây thơ hồn nhiên trong Vườn Địa Đàng, một hậu quả lịch sử về sự bất tuân của con người xuyên suốt những câu chuyện liên quan trong các sách tường thuật, và kèm theo lời hứa về sự cứu chuộc và cứu rỗi sẽ đến trong sách của các tiên tri, theo cách tự nhiên đã dẫn đến Tân Ước, ở đó chúng ta được biết kế hoạch giải cứu nhân loại của Thiên Chúa đã có hiệu quả như thế nào từ cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Kitô. Đối với bất kì ai lớn lên trong nền văn hóa Kitô giáo chủ đạo, thì cách đọc Cựu Ước theo lối này dường như đơn giản, hiển nhiên, và là cách hiểu Kinh Thánh “tự nhiên”.

Ít người nhận ra rằng Kinh Thánh là văn bản siêu liên kết (hyperlink) đầu tiên trong lịch sử. Những ai đọc Kinh Thánh thường xuyên đều biết rằng hầu như mọi điều trong Tân Ước có thể liên kết trở lại với Cựu Ước, như ta thấy bên lề các trang Tân Ước thường nêu chương đoạn tham chiếu tương ứng với các sách trong Cựu Ước, như thể Tân Ước là sự mở rộng của Cựu Ước. Tân Ước ẩn giấu trong Cựu Ước, và Cựu Ước được biểu lộ trong Tân Ước. Chúa Giê-su và Phao-lô dạy những điều từ những câu thánh thư đã được viết trước đó. Chỉ cần nhìn vào một số đoạn ghi lại bài giảng nổi tiếng của Chúa Giêsu, như “Bài giảng trên núi”, ngài đã mở rộng mười điều răn nguyên thuỷ được ban cho trên Núi Sinai. Trong Mat-thêu 5:21-24, chúng ta đọc những lời của Ngài:

Các ngươi đã nghe bảo người xưa: Chớ giết người; kẻ giết người thì sẽ can án. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai tức giận anh em mình thì sẽ can án; ai mắng anh em mình là “đồ ngốc” thì sẽ can án trước Công nghị; và ai mắng là “đồ khùng” thì can án hoả ngục lửa thiêu. Vậy nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hoà với anh em ngươi trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi. (Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn)

Ở đây, Chúa Giêsu đang mở rộng thông điệp của Ngũ Kinh (Torah) trong Cựu Ước, thậm chí có thể nói Ngài đang giảng dạy về nó. Không chỉ là “chớ giết người” mà còn yêu thương người lân cận của mình, đến mức chúng ta phải giải quyết mối xung đột ngay cả trước khi dâng của lễ cho Thiên Chúa. Ngài dạy chúng ta phải giải quyết những mâu thuẫn bằng tình thương, hãy để cho cơn giận nguôi ngoai, để không dẫn đến kết cục bi thảm là gây án mạng. Hoặc, ngay sau đó, trong câu 27-28, Chúa Giê-su bình luận về điều răn thứ 6: “Ngươi chớ ngoại tình.” Một lần nữa, Ngài mở rộng và đưa nó lên một cấp độ khác: thậm chí đừng có dục vọng trong lòng ta. Ngài đang mang Ngũ Kinh vào trong quả tim và ý đồ của chúng ta, không chỉ là những hành động thể hiện ra bên ngoài. Người ta có thể dễ dàng “không ngoại tình” trong khi vẫn còn nung nấu dục vọng trong lòng. Cũng như ai đó có thể “không giết người” trong khi vẫn nuôi dưỡng sự tức giận và thù hận đối với người khác.

Như vậy, không chỉ những độc giả quan tâm tới tôn giáo mà những người đọc nhiều về văn học phương Tây thực sự nên đọc Kinh Thánh, đơn giản là vì có rất nhiều tham chiếu liên quan đến các chủ đề hoặc kinh văn trong Kinh Thánh mà nếu không có kiến thức cơ bản về Kinh Thánh thì mọi tham chiếu đó sẽ bị bỏ sót. Nhà phê bình và lí thuyết văn học Northrop Frye, tác giả cuốn The Great Code: the Bible and Literature (Mật mã vĩ đại: Kinh Thánh và Văn học) đã xem xét ảnh hưởng phi thường của Kinh Thánh đối với nghệ thuật và văn học phương Tây, trí tưởng tượng sáng tạo của phương Tây nói chung, và nhận xét rằng Kinh Thánh là một văn bản độc đáo khác biệt với tất cả những sử thi và kinh sách khác.

Phụ lục dưới đây cho ta một thoáng nhìn về quá trình và công trình dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt, vốn đã khởi sự vào đầu thế kỉ 20.
– Mở đường với bản dịch của một vị thừa sai người Pháp thuộc hội Truyền giáo Paris là Cố Chính Linh (Albertus Schlicklin) được dịch từ bản Vulgata (tiếng Latinh), in tại Hongkong năm 1913-16.

– Sau đó là bản dịch Tin Lành thường gọi là Thánh Kinh Việt ngữ 1926 do một nhóm dịch giả gồm vợ chồng mục sư người Hoa Kì là W. C. Cadman (cả hai đều chuyên ngành cổ ngữ Hebrew và Hilạp), Phan Khôi, J. D. Olsen, Trần Văn Dõng, Nguyễn Hữu Phúc, tuy nhiên bản dịch này được biết đến nhiều nhất như là bản dịch Phan Khôi, vì từ năm 1919-1926 với sự cộng tác lâu dài của học giả này, bản dịch đã được hoàn tất và in ở Hà Nội vào năm 1926; đây là một bản dịch tuyệt vời về văn phong tiếng Việt hồi đầu thế kỉ vẫn còn vẻ đẹp cổ kính rất thích hợp với một tác phẩm kinh điển cổ đại (có thể sánh với bản King James của Anh).

– Một bản dịch Công giáo khác, lần này cũng do một linh mục ngoại quốc là Gérard Gagnon (Dòng Chúa Cứu Thế), xuất bản tại Đà Lạt vào năm 1962-63.
– Tiếp theo, năm 1970, tủ sách Ra Khơi xuất bản Kinh Thánh Cựu Tân Ước dịch theo bản Phổ thông [tức từ bản Latinh], và đây là bản dịch toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên do một linh mục người Việt là Trần Đức Huân.

– Năm 1976, Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn cho xuất bản toàn bộ Thánh Kinh dày 3000 trang in trên giấy lụa, có thể xem là một sự kiện. Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên được thực hiện từ nguyên ngữ Hebrew, Aramaic và Hi-lạp mà dịch giả là cố linh mục Nguyễn Thế Thuấn (1922-1975), giáo sư Kinh Thánh, ngài học tại Roma chuyên sâu ngành thần học và Thánh Kinh (năm 1953). Bản dịch Tân Ước vốn đã xuất bản 1968, còn bản dịch Cựu Ước sắp hoàn thành thì ngài qua đời năm 1975, một số môn sinh đã hoàn chỉnh để cho xuất bản. Đây là bản dịch Kinh Thánh có giá trị cao và công lao to lớn không chỉ dịch sát từ những nguyên ngữ mà còn cung cấp rất nhiều chú giải kĩ lưỡng làm sáng tỏ về ngôn ngữ Kinh Thánh, đồng thời dịch giả không ngừng cập nhật những văn bản Kinh Thánh hay thủ bản ở Biển Chết được khảo cổ phát hiện có niên đại hơn 2000 năm trước.

– Kinh Thánh do Đức hồng y Trịnh Văn Căn dịch, do Toà Tổng Giám mục Hà Nội xuất bản năm 1985.

– Toàn bộ Thánh Kinh (Tin Lành) do mục sư Lê Hoàng Phu và ba dịch giả phiên dịch đã được Thánh Kinh Hội Quốc Tế (IBS) tại California xuất bản.

– Và bản dịch toàn bộ Kinh Thánh gần đây nhất (1998) của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.”

Còn các bạn, lý do mọi người muốn đọc tác phẩm này là gì?

#Omegaplusbook #kinhthanh #Cuuuoc

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top