Tọa đàm: “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” và Ra mắt Tủ sách Pháp ngữ – giai đoạn 2

“Với tôi, cuốn sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” chứa đựng giá trị đáng kể về mặt tri thức” – đó là những lời chia sẻ từ PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Hợp tác Pháp ngữ Châu Á-Thái Bình Dương trong buổi Tọa đàm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” sáng ngày 15/11 tại Hà Nội.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm: “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa”

Tham gia tọa đàm, diễn giả cùng khách tham dự đã cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống Giáo dục của Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa – một đề tài nghiên cứu vẫn gây nhiều tranh cãi dù đã gần một thế kỷ trôi qua. Những trao đổi về cuốn sách của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương trong sự kiện góp phần bổ sung thêm những thông tin mới về nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử giáo dục thuộc địa nói riêng.

Đồng thời giúp độc giả Việt có những cái nhìn và đánh giá khách quan về thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa, mà thời bấy giờ cũng được coi là một công cụ để thực hiện mục đích chính trị của chủ nghĩa thực dân.

Tại buổi tọa đàm, diễn giả PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh bổ sung thêm thông tin về bối cảnh thời đại được đề cập đến trong sách: “Cuốn sách này đặt nền móng rất căn bản ngay ở chương đầu, thay vì đi ngay vào việc mô tả giáo dục Pháp như thế nào, tác giả đã xuất phát từ gốc rễ của triết lý giáo dục thời thực dân, đó là sự phân hóa giáo dục, thuyết phân biệt chủng tộc để độc giả hiểu rõ thực tế của câu chuyện.

Cuốn sách mang đến cho chúng ta một số khái niệm rất thú vị như: “những kẻ thoát hạn” hay “những kẻ mất nước”. Đó là khái niệm mà giáo dục Pháp dùng để chỉ những người nghèo, tầng lớp bình dân mà nhờ có nền giáo dục đại chúng của Pháp mới được tiếp cận với việc học hành…”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương không giấu được sự thích thú khi chia sẻ về cuốn sách: “Với tâm thế một người không có mối liên hệ gì tới giáo dục và các vấn đề về Pháp, tôi khá ấn tượng với quan điểm của chính quyền thực dân Pháp, và trí thức Pháp đối với những người dân thuộc địa và chính sách giáo dục ở thuộc địa được đề cập tới trong sách.

Câu chuyện của Pháp với Việt Nam không phải là câu chuyện cá biệt, nó là câu chuyện phổ biến trên thế giới. Cuốn sách như một sự gợi mở, giúp chúng ta có được thái độ đúng đắn và khách quan hơn đối với các di sản lịch sử, mà ở đây là nền giáo dục tại Việt Nam dưới thời thuộc địa.”

Bên ngoài tọa đàm là khu trưng bày Cuốn sách sắp ra mắt: ““Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” của TS Nguyễn Thụy Phương.

 

Tác phẩm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – huyền thoại đỏ và huyền thoại đen” tổng hợp những nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương về Di sản giáo dục Thực dân. Dựa trên những tài liệu và văn bản khai thác được từ các trung tâm lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp, tác giả đã cố gắng phân tích một cách hệ thống về giáo dục Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung thời thuộc địa, từ đó rút ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thời kỳ này.

Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam đã kết hợp cùng Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm tại Hà Nội nhân dịp ra mắt tác phẩm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” của TS Nguyễn Thụy Phương. “Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2 sẽ tập trung khai thác sách biên khảo, nghiên cứu mới nhiều hơn, những nghiên cứu này đa phần do các học giả đương đại viết, qua đó đóng góp tốt hơn cho giới nghiên cứu trong nước cũng như độc giả phổ thông.

Chủ đề cũng rộng hơn: giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo, nhân vật-hồi ký, Việt Nam: đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc…” – Ông Vũ Trọng Đại – Giám đốc Công ty sách Omega Việt Nam chia sẻ thêm về dự án “Tủ sách Pháp ngữ”.

Hoàng Tùng|Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư

Bài viết liên quan

Top